Hướng dẫn phương pháp làm một bài văn giới thiệu

Hướng dẫn phương pháp làm bài: Giới thiệu một di tích, thắng cảnh ở địa phương em

I. Mở bài

Giới thiệu khái quát vị trí của địa danh với những đặc điểm riêng.

II. Thân bài

–    Giải thích ý nghĩa, nguồn gốc:

Ví dụ: Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời buổi ban mai.

Ví dụ 2: Chùa Dơi ra đời cách đây gần 400 năm (chùa có tên là chùa Mã Tộc hay chùa Ma Ha Túc). Chùa nằm cách thị xã Sóc Trăng 2km, là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Chùa Dơi độc đáo bởi hàng ngàn tượng Phật, tượng Tứ linh (long, ly, quy, phượng…) đều nặn từ đất sét cùng với vẻ đẹp kì thú do dơi và quả tạo nên.

–    Nguồn gốc lịch sử của địa danh ấy.

Ví dụ:

Văn Miếu được xây dựng tháng 8 năm Canh Tuất, tức tháng 10 năm 1070 (đời Lí Thánh Tông) là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…) và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Sáu năm sau (1076), Lí Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.
–    Những đặc điểm về địa lý.

Ví dụ:

Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giới hạn trong khoảng từ 20°53’ đến 21°23′ vĩ độ Bắc, 105°44′ đến 106°02’ kinh độ đông, tiếp giáp với 5 tỉnh, phía bắc là Bắc Thái, phía tây và tây nam là Vĩnh Phú, Hà Tây, đông và đông nam là Hà Bắc, Hải Hưng. Hà Nội có diện tích tự nhiên 922,8 km2, khoảng cách dài nhất từ phía bắc xuống phía nam là trên 50km và chỗ rộng nhất từ tây sang đông 30km.

Địa hình: Đại bộ phận diện tích Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với độ cao trung bình từ 15m đến 20m so với mặt biển. Còn lại chì có khu vực đồi núi ở phía bắc và phía tây bắc của huyện Sóc Sơn thuộc rìa phía nạm của dãy núi Tam Đảo có độ cao từ 20m đến trên 400m với đỉnh Chân Chim cao nhất là 462m. Địa hình của Hà Nội thấp dần từ bắc xuống nam và từ tây sang đông.

Hướng dẫn phương pháp làm một bài văn giới thiệu
Hướng dẫn phương pháp làm một bài văn giới thiệu

–    Những đặc điểm về con người nơi ấy.

Ví dụ:

Dân số trung bình của Hà Nội năm 1995 là 2.326,6 ngàn người, trong đó: Nam: 1.142,4 ngàn người, nữ: 1.184,2 ngàn người; thành thị: 1.216,7 ngàn người, nông thồn: 1.109,9 ngàn người. Mật độ dân số toàn thành phố là 2535 người/km2, trong đó nội thành có mật độ 23.026 người/km2, ngoại thành 1.435 người/km2, huyện Sóc Sơn có mệt độ dân thưa hơn cả: 729 người/km2, quận Hoàn Kiếm có mật độ dân số cao nhất 40.313 người/km2.

–    Những đặc điểm về sản vật nơi ấy

Ví dụ 1:

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) đã hình thành từ xa xưa, nổi tiếng những người thợ thủ công tài hoa với nhiều sản phẩm được chế tác tinh xảo. Nghề sơn mài do cư dân Bắc, Trung di dân mang vào. Khi đến đất Bình Dương xưa, họ kết hợp làng truyền thống với nghề làm tranh cổ huyện Bình An – Tương Bình Hiệp để hình thành nên làng sơn mài. Hàng sơn mài có 7 loại cơ bản: sơn lộng, vẽ chùm, vẽ mỏng, khắc tùng, đắp nổi, cẩn xà cừ và cẩn trứng, về kĩ thuật, một sản phẩm sơn mài đạt tiêu chuẩn phải qua 25 công đoạn như mài nhám, phát vải, mài, lót nhiều lần, đánh bóng…

Ví dụ 2:

Sản phẩm hoa cắt cành của làng hoa Ngọc Hà khá phong phú bao gồm cả các loại hoa thu hoạch nhiều lần (lưu gốc) và hoa thu hoạch một lần. Các loại hoa thu hoạch nhiều lần chủ yếu là:

Hoa đào: Hoa đào có nhiều loại như đào bích, đào phai hoặc đào cảnh. Đây là loại hoa truyền thống của người dân Hà Nội trong dịp đón xuân. Vì vậy việc trồng đào quan trọng nhất là điều tiết để cho hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra còn kĩ thuật tạo cành, tạo thế để tăng giá trị của sản phẩm.

Hồng Đà Lạt: Là một sản phẩm mới du nhập trên thị trường Hà Nội một vài năm gần đây Song với đặc điểm hoa to, đẹp và sắc màu phong phú, nó hầu như đã chiếm lĩnh được thị trường và trở thành thứ hoa cao cấp, đáp ứng thị hiếu của người sành chơi hoa Hà Nội.

–    Những đặc điểm về phong cảnh nơi ấy

Ví dụ 1:

Khách du lịch đến thăm Chùa thứ nhất là được ngắm nhìn đàn dơi bay kín cả bầu trời mỗi khi hoàng hôn. Trong cái tĩnh mịch của ngôi chùa cổ giữa rừng, tiếng vỗ cánh của đàn dơi có thể làm những ai yếu bóng vía phải hãi hùng.

Ví dụ 2:

Hàng vạn người đang chờ thích thú ngắm nhìn đoàn người đi vào sới. Xung quanh sới trang trí cờ hoa đẹp. Bốn mặt đường viền sới là chỗ ngồi cho khách bốn phương. Họ dừng lại và rất nhanh, tay rút sẹo trâu, chân chạy như bay ra ngoài vòng đấu. Hai con trâu sững lại, rồi chúng choạng chân giữ thế, ngẩng đầu nhìn nhau thăm dò, lao vút vào nhau. Tiếng reo vui khi một trong hai con trâu bất thần bị một đòn hiểm. Nó lùi lại một đoạn ngắn lấy đà xông vào đối thủ với tất cả sức lực còn lại. Bất ngờ một trâu bị thương vội vàng tháo chạy. Con trâu thắng cuộc hung hãn đuổi theo. Tiếng hò reo vang trời, dậy đất.

III. Kết bài:

Đánh giá tóm tắt về địa danh ấy và phát biểu cảm nghĩ.

Related Posts